CÁC CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC PHÁP NỔI TIẾNG TẠI TP. HCM
Thursday, June 2, 2016
/
No Comments
Với tuổi đời trên 100 năm, các công trình kiến trúc Pháp tại trung tâm TP.HCM (Sài Gòn) luôn hấp dẫn du khách mọi miền. Thâm trầm và cổ kính, các kiến trúc cổ trong lòng thành phố tồn tại như một nét son của quá khứ, một khoảng lặng nhẹ nhàng cho cuộc sống hiện đại đỡ tấp nập, bon chen.
Nhà hát lớn Thành phố
Công trình nằm trên đường Đồng Khởi, Q.1, TP. HCM. Đây là nhà hát có tuổi đời cổ nhất ở thành phố, là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Nhà hát được xây dựng năm 1898, khánh thành năm 1900, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Mặt tiền trang trí hai tượng nữ thần nghệ thuật tuyệt đẹp, ngoài ra còn có các dây hoa, hai cây đèn và các nhóm thiên thần dạo nhạc trên đỉnh, trông đẹp mắt và có sức thu hút người thưởng ngoạn. Thiết kế bên trong nhà hát hiện đại với đầy đủ thiết bị âm thanh và ánh sáng. Ngoài tầng trệt, nhà hát còn có 2 tầng lầu với tổng cộng 1800 chỗ ngồi. Những dãy ghế được bố trí theo hình chữ U hướng về sân khấu chính.
Hiện nay Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa ba lê, dân tộc, opera cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Nhà thờ Đức Bà
Nằm ngay Trung tâm Quận 1, được thiết kế theo phong cách Roman, Nhà thờ Đức Bà là công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại TP. HCM. Công trình này được xây dựng từ năm 1877 đến năm 1880 có chiều rộng 35m, chiều dài 93m, do kiến trúc sư người Pháp Bonard thiết kế, mô phỏng nhà thờ Notre Dame của Paris, nhưng nhỏ hơn và thuộc loại đẹp nhất trong số các nhà thờ ở các nước thuộc địa của Pháp thời đó.
Điểm nổi bật của nhà thờ Đức Bà là không hề có vòng rào bao quanh, mà nằm ngay giữa đường xe cộ tấp nập, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ uy nghiêm của một công trình kiến trúc tôn giáo.
Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu. Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người.
Nhà thờ có hai tháp chuông mỗi tháp cao 57,6m xây dựng năm 1895. Có tất cả 6 quả chuông đồng lớn, tổng cộng nặng 25.850 tấn - hiện nay là bộ chuông lớn nhất Việt Nam. Phía trước nhà thờ là tượng Ðức mẹ Hòa Bình bằng cẩm thạch, cao 4,2m, nặng 8,5 tấn làm tại Rome được dựng vào năm 1959.
Không chỉ là nơi lui tới của những con chiên ngoan đạo, nhà thờ còn là nơi du khách bốn phương và các bạn trẻ sống và làm việc tại Sài Gòn dạo bước tham quan và tụ tập trò chuyện tại các công viên quanh nhà thờ. Đặc biệt, những chú bồ câu hiền lành luôn tập trung quanh nhà thờ tạo nên một khung cảnh êm đềm, thân thiện.
Bưu điện Thành phố
Bưu điện trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là một trong những công trình mang nét kiến trúc Gothique độc đáo của Pháp. Công trình được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1886 – 1981, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật kiến trúc châu Âu và châu Á. Công trình nằm sát ngay Nhà thờ Đức Bà, tại số 2, Công xã Paris, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM.
Mặt tiền bưu điện có kết cấu hình khối, với vòm cung phía trên các cửa, được trang trí theo từng ô hình chữ nhật, ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình các nam nữ đội vòng nguyệt quế. Hệ thống cột, trụ chính, phụ, mái hiên đều có kết cấu hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột được chạm khắc hoa văn, phù điều công phu, tỉ mỉ. Trên vòng cung của cửa chính có chiếc đồng hồ lớn, phía trên đồng hồ có dòng chữ Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên trong tòa nhà là hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Hai bên tường cao là hai bản đồ lịch sử của Sài Gòn. Bên cạnh 35 quầy phục vụ khách hàng, còn có một số quầy bán đồ lưu niệm với các sản phẩm handmade đậm nét Việt.
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố tọa lạc tại số 86 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM. Thời Pháp thuộc, nơi đây có các tên gọi là dinh Xã Tây, dinh Đốc Lý, là trụ sở làm việc của Hội đồng thành phố. Về sau được đổi tên là Tòa thị sảnh. Từ năm 1954 - 1975, gọi là Tòa đô chính Sài Gòn. Sau 30/4/1975 cho đến nay là trụ sở của UBND TP.HCM.
Tòa nhà có vóc dáng nhại theo kiểu lầu chuông đúc cao có nóc nhọn thường thấy ở vùng miền Bắc nước Pháp. Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe tiêu biểu cho nước Pháp, một hình đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi hai bên tiêu biểu cho nước Pháp cầm gương đi chinh phục thuộc địa. Phía trước dinh là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn - nơi ban nhạc của hải quân Pháp trình diễn cho công chúng xem.
Trước tòa nhà có một công viên xanh mát. Hàng ngày, có rất nhiều du khách đến công viên để chụp hình, thư giãn.
Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành thuộc phường Bến Nghé, Q.1, TP. HCM, thường xuyên được sử dụng làm hình ảnh đại diện cho thành phố.
Chợ do hãng thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3/1914. Sau khi hoàn thành, người dân gọi là chợ Mới hay chợ Sài Gòn để phân biệt chợ cũ. Sau năm 1957, chợ đổi tên như hiện nay.
Chợ Bến Thành có 4 ô cửa và 4 tháp cổng có gắn đồng hồ nhìn ra 4 con đường trung tâm quận 1, lần lượt theo các hướng Bắc, Nam, Đông là đường Lê Lợi, đường Phan Bội Châu, đường Phan Chu Trinh và cổng chính có tháp cao nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang.
Chợ được chia làm bốn khu vực với 11 ngành hàng bao gồm khu vực 1 và 2 chủ yếu vải sợi và quần áo chiếm khoảng 30% diện tích; khu vực 3 và 4 là tạp phẩm, tạp hóa, mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và ăn uống... Điểm nổi bật của chợ là hàng hóa rất phong phú, đa số được tuyển chọn và cung cách phục vụ chu đáo do đó giá cả cao hơn các nơi khác và có lẽ bên cạnh nạn nói thách là thói quen vốn có ở chợ này thì việc ít khi cân thiếu là truyền thống đáng quí của chợ. Hiện nay bình quân mỗi ngày chợ Bến Thành có 15 ngàn lượt người đến giao dịch mua bán, tham quan.
Về đêm, hoạt động mua bán còn diễn ra rất sôi nổi ở khu vực chợ đêm xung quanh chợ Bến Thành. Những quán hàng ăn với đủ các món ăn hấp dẫn, những khu bán quà lưu niệm và giày dép lung linh ánh điện và ngon ngọt lời chào mời. Du khách các nơi ghé đến TP. HCM cũng ít khi bỏ qua cơ hội dạo chợ đêm Bến Thành và hưởng không khí sôi động của thành phố về đêm.
nguồn: Internet